“Áo mới” cho làng trống Đọi Tam
“Áo mới” cho làng trống Đọi Tam
QĐND - Chủ Nhật, 13/06/2010, 0:43 (GMT+7)
QĐND Online-Sáng tinh mơ, mặt trời còn chưa ló rạng nhưng trên những cánh đồng, trên từng thửa ruộng, người dân thôn Đọi Tam, (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà
Tự hào thương hiệu trống làng
Mặc dù đã nghe tiếng làng Đọi Tam nổi tiếng cả nước với nghề làm trống, cũng đã được chiêm ngưỡng chiếc trống to nhất Việt Nam từ lâu nhưng hôm nay chúng tôi mới có dịp về Đọi Tam để “tận mục sở thị” cho thỏa trí tò mò. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi bước chân vào làng đó là Đọi Tam mang dáng dấp của một làng Việt cổ. Những cây đa, cây gạo xù xì đến cả trăm năm tuổi, giếng làng với những cây si tỏa bóng, rễ chảy dài dưới mặt nước, đình làng là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, tâm linh của làng đều còn giữ được nguyên vẹn mà ít nơi nào có được.
Chiếc trống cao 2,5m, đường kính mặt 1,8m của cơ sở gia đình anh Nguyễn Lương Tuân đang chờ ngày để bưng mặt trống. |
Dọc theo con đường đổ bê tông chúng tôi tìm đến nhà ông Đinh Văn Lương, trưởng thôn Đọi Tam. Trong căn nhà nhỏ cũng với kiến trúc của một ngôi nhà cổ, ông tự hào cho chúng tôi xem những bằng chứng nhận, tranh ảnh lễ hội của làng trống. Rót chén trà thơm mời khách ông tâm sự:
- Ngày xưa, kích cỡ trống chủ yếu được đặt làm to để phục vụ lễ hội lớn trong làng hoặc đặt ở công đường để người dân dóng trống kêu oan. Người trong làng tay gồng tay gánh đồ nghề thì đi khắp nơi làm trống. Trống không chỉ cùng quân ra trận, trống còn giục đắp đê, trống hội ngày xuân, trống gọi trẻ đến trường… Tất cả đều mang thương hiệu trống Đọi Tam đấy.
Như chạm đúng vào niềm kiêu hãnh, ông hào hứng tâm sự tiếp:
- Hiện nay cả làng có 610 hộ thì nhà nào cũng làm trống. Chúng tôi tự hào vì cả nước chỉ có Đọi Tam là làng duy nhất làm trống. Nhắc đến trống thì thương hiệu trống Đọi Tam vẫn là số một. Khắp cả nước, tỉnh nào cũng có cơ sở làm trống của Đọi Tam chúng tôi.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2004, làng đã thành lập một dàn trống gồm 60 người để chuyên đi phục vụ các dịp lễ hội ở các tỉnh trong cả nước. Trong các dịp như Sea game 22 tại Việt Nam, Lễ kỉ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội… đều có sự góp mặt của trống Đọi Tam.
Nội lực từ một làng nghề
Nghề làm trống ở Đọi Tam mấy năm gần đây đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Cả thôn có 16 cơ sở làm trống có quy mô lớn. Lớp thanh niên của làng cũng gắn bó với nghề và đặc biệt nhạy bén với thị trường. Cứ tỉnh nào, vùng nào chưa có nơi làm trống là thanh niên trong làng lại tìm đến mở cơ sở sản xuất, tìm nguồn tiêu thụ. Hàng năm, cứ ăn tết xong là có khoảng 400 thợ trong làng đi khắp nơi làm trống. Làm trống thì quanh năm không lúc nào hết việc nhưng thời vụ chính của nghề là vào đầu năm học mới và Tết trung thu rằm tháng 8. Cứ đến những ngày này, thợ làm trống lại kéo về làng để cùng làm và lấy nguyên liệu đi các nơi để làm trống. Ông Lương cho biết những lúc cao điểm như thế, Đọi Tam làm và xuất đi cả nghìn quả trống là bình thường. Chiếc trống đắt nhất mà Đọi Tam làm ra lên tới 120 triệu đồng.
Thợ làng trống làm trống cơm |
Theo chân trưởng thôn, chúng tôi tới thăm cơ sở làm trống của gia đình ông Phạm Văn Huỳnh khi ông và 5 người thợ đang dở tay làm chiếc trống Sấm do một nhà thờ ở Kim Sơn - Ninh Bình đặt hàng. Với chiều cao 3m, tang liền, đường kính mặt trống 2,2m, trị giá 95 triệu đồng, khi đánh lên tiếng vang như sấm. Để làm được chiếc trống này, cơ sở của ông Huỳnh phải mua nguyên liệu là gỗ mít và da trâu từ trong Tây Nguyên vì ở đó mới có loại gỗ và da trâu đáp ứng được chất lượng trống. Mới đây, cơ sở làm trống của anh Lê Ngọc Trường cũng làm chiếc trống cao 1,8m, đường kính mặt trống 2,3m cho chùa Bái Đính. Sắp tới đây, nhân kỉ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đọi Tam vinh dự được nhận làm chiếc trống lớn với chiều cao 3m, đường kính mặt trống 2,3m để phục vụ đại lễ.
Năm 2004, Đọi Tam được Sở văn hóa tỉnh Hà |
Trò chuyện với trưởng thôn Đinh Văn Lương chúng tôi được biết trống Đọi Tam có được thương hiệu như ngày hôm nay đều nhờ vào nội lực của làng nghề. Lớp nghệ nhân già đi trước thì say nghề, lớp trẻ thì năng động và nhạy bén, cộng với ý thức bảo tồn, lưu giữ và phát triển nghề truyền thống luôn thường trực trong trái tim, khối óc mỗi con người nơi đây khiến nghề làm trống ngày càng phát triển. Ông Lương cho biết chỉ tính sơ sơ thu nhập từ nghề làm trống của thôn trong năm 2009 cũng đạt trên 15 tỷ đồng, một con số đáng nể và tự hào.
Đọi Tam hôm nay đã khoác lên mình một màu áo mới chính từ sự bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, trong làng, ngoài xóm được trải bê tông sạch đẹp. Nhưng xa hơn chính là sự phát triển bền vững của làng nghề truyền thống nhờ lớp thợ trẻ yêu nghề. Chúng tôi nghĩ thế và ai đã từng đến đây cũng sẽ nghi như chúng tôi.
Bài và ảnh: Minh Mạnh - Quang Thái