Chiếc Trống lớn nhất Việt Nam
Chiếc Trống lớn nhất Việt Nam
Đội trống Hoàng Xá- Vũ Thư với chiếc trống lớn nhất Việt Nam
chiếc trống lớn nhất nước
Xuất phát từ ý tưởng đưa tiếng trống Hoàng Xá đi xa hơn nữa, anh em trong đội bàn bạc phải làm một chiếc trống thật lớn. Ý tưởng này được đông đảo nhân dân trong giáo xứ ủng hộ. Để có thông tin, ông trưởng đội trống đã vào mạng Internet để tìm hiểu về những chiếc trống lớn, được biết chiếc trống sấm lớn nhất Việt Nam hiện nay được sản xuất năm 2001, có chiều cao 2,60m, đường kính 2,01m đang được đặt tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội). Người làm ra nó là anh Phạm Chí Tân – người làng Đọi Tam, huyện Duy Xuyên, tỉnh Hà Nam. Đại diện đội trống đã đến làng Đọi Tam, huyện Duy Xuyên, tỉnh Hà Nam- nơi có nghề làm trống nổi tiếng, gặp ông Phạm Công Nghị - một người dày dạn kinh nghiệm để trình bày ý tưởng và mời ông tham gia chỉ đạo. Với yêu cầu làm to hơn chiếc trống hiện đặt tại Văn Miếu, thì việc tìm đựơc bộ da trâu to dày là rất khó khăn. Với mối quen biết, ông Nghị đã liên lạc với tất cả các nhà máy thuộc da trong nước, vẫn không tìm được bộ da bọc ưng ý. Mãi đến tháng 6 năm 2008, ông mới đặt mua được 2 bộ da trâu ở Trung Quốc và Lào.
Bà con xứ đạo Hoàng Xá vui mừng bắt tay ngay vào việc sản xuất trống dưới sự chỉ đạo, giám sát của nghệ nhân Phạm Công Nghị. Để tiếng trống to vang, ngoài việc chọn loại da thì bắt buộc tang trống phải được làm bằng gỗ lõi mít. Da thì đã có, nhưng gỗ mít thì rất khó mua. Anh em trong đội đi khắp vùng tìm chọn những cây mít già vài chục năm tuổi. Nhưng cây mít có tuổi thường cho quả ngon, nên người trồng không muốn bán. Đi ròng rã cả tháng trời chỉ mua được 9 cây (bằng 1/4 số gỗ). Thấy vậy bà con giáo xứ tình nguyện chặt mít của gia đình góp thêm 22 cây, trong đó nhiều cây còn đang trĩu trịt quả nhưng bà con vẫn vui vẻ chặt, mong muốn được hiến tặng vì việc chung. Tất cả số gỗ mít trên được đưa về, dùng máy lớn xẻ, bổ hộp chỉ lấy phần lõi bên trong của cây, sau đó làm thanh tang được phơi cho khô kiệt, tránh co, rồi vanh tạo thành tang trống. Vốn Hoàng Xá là một làng nghề mộc nổi tiếng, nên việc tạo ra những thanh tang có độ cong và kích cỡ theo đúng bản vẽ thiết kế không hề khó. Để làm 2 vòng đai trống với độ dày mỗi đai 18cm, chiều cao 14cm, phải dùng 3 cây xà cừ tía, với đủ độ cứng chắc để đỡ các vành tang lớn.
Sau khi chuẩn bị đủ nguyên vật liệu, ngày 2-10-2008, Hoàng Xá tiến hành dựng vành tang trống. Công việc được thực hiện tại một khu đất rộng chừng 50m2, được bắc bạt che chắn, tránh mưa, nắng. Vì chiếc trống có kích cỡ rất lớn nên anh em trong đội phải dùng tre luồng bắc giàn giáo mới có thể làm được. Người ta phải tính toán làm thế nào để trống cân đối, chuông và nây đều. Công đoạn này đựơc làm rất tỷ mỷ, yêu cầu độ chính xác cao, với hàng chục người tham gia làm hàng tháng trời phần tang trống mới hoàn thành.
Công đoạn căng da mặt trống được thực hiện vào ngày 8-12-2008. Người ta phải dùng tới 200m dây chão lớn để néo bưng. Lúc căng mặt, 8 người đàn ông lực lưỡng khoẻ mạnh, dùng hết sức dận lên mặt trống để da giãn đều, công đoạn này cũng mất cả tuần lễ. Để hoàn thành chiếc trống này, đã phải sử dụng tổng số 31 cây mít, 3 cây xà cừ tía (ước tính khoảng 6 m3 gỗ), 9kg đinh vít, 15 kg sơn cùng với gần 40 công thợ, miệt mài trong 3 tháng trời. Theo ông Phạm Văn Khanh, giá thành của chiếc trống sấm lên tới trên 70 triệu đồng.
Ông Phạm Công Nghị – nghệ nhân làm trống khẳng định: Trong 50 năm làm nghề, ông chưa từng làm chiếc trống nào có kích cỡ lớn như vậy! Chiều cao trống là 2,63m, đường kính bề mặt 2,17m, bọng trống 3,4m, độ dày lớp da bọc 1cm. Trống được tạo bởi 102 thanh tang, với độ dày mỗi thanh là 3,3cm, độ dài của vòng tang trống là 11m, theo tính toán của những người thợ thì thể tích của chiếc trống sấm trên là 10m3, trọng lượng 1.000 kg... Như vậy, chiếc trống của bà con xứ đạo Hoàng Xá xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình đã trở thành chiếc trống có cỡ kích lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. Tiếng trống sấm của người dân xứ đạo Hoàng Xá đã vang lên chào mừng ngày Đức Chúa giáng sinh và đón tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009.
Bài và ảnh: Nguyễn Tùng