Độc đáo nghề làm trống của người Dao Đỏ Tây Bắc
Độc đáo nghề làm trống của người Dao Đỏ Tây Bắc
Ông được xem là người hiếm hoi còn lại ở Sa Pa cũng như các tỉnh Tây Bắc duy trì nghề làm trống, một loại hình nhạc cụ không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của tộc người Dao Đỏ ở nước ta.
Tôi tìm gặp ông Lí Phủ Quyện, người làm trống nổi tiếng hiện nay của người Dao Đỏ, tại bản Sà Chải, xã Tà Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai trong một ngày tháng 10, khi ông cùng hai người con trai đang còn ngổn ngang với hàng chục chiếc trống dở dang trong xưởng của gia đình.
Ông Lí Phủ Quyện vừa thoăn thoắt đẽo gọt những chiếc tang trống vừa cởi mở nói về công việc của mình cho những du khách tham quan.
Cách làm trống của người Dao Đỏ khá công phu, tỉ mẩn. Mặt trống được chọn lựa từ da bò, trâu, sơn dương nhưng phải có độ mỏng cần thiết, nếu da dày thì phải bào mỏng thêm mới có thể dùng được. Sau đó da được đem phơi nắng hoặc để gác bếp 10-15 ngày.
Tang trống được lấy từ gỗ mít đã bị rỗng, hoặc khoét thủng ruột, sau đó vót tròn, vót bóng xung quanh, làm sao cho tang mỏng, nhẹ nhưng vẫn bền và chắc. Thông thường da mặt trống sẽ được giữ vào tang trống bằng cách đóng đinh chết vào nhưng với cách làm trống của người Dao Đỏ là dùng các dây mây dẻo, bền nối lại hai mặt trống.
Sau đó người thợ sẽ dùng các thanh gỗ nhỏ đã được vót đều gọi là nêm đóng chặt vào tang trống để kéo các sợi mây đan vào với nhau để cho da mặt trống căng ra mới có thể tạo ra âm thanh trầm bổng. Các thanh gỗ dăm găm tròn xung quanh tang trống trống như những cánh hoa nhỏ chính là nét độc đáo của trống người Dao Đỏ so với một số loại trống của một số dân tộc khác ở nước ta.
Lí Phủ Quyện nói rằng, bí quyết làm nên một cái trống tốt chính là giai đoạn “gia” và “cố”. “Để làm được điều này ngoài kinh nghiệm người làm trống phải có được cái tay và cái tai tốt mới có thể thẩm âm được chiếc trống có âm vang trầm bổng cần thiết”.
Theo phong tục, mỗi gia đình người Dao Đỏ đều phải có một bộ trống và khèn (một bộ gồm một trống và một khèn) để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa vào những ngày lễ tết, cưới hỏi...
Cách làm trống cũng được gia truyền cho những người đàn ông trong gia đình. Tuy nhiên do tính chất kiêng kị, không phải gia đình nào cũng làm trống một cách tùy tiện, chỉ làm vào hai ngày 17/4 và 17/7 trong năm. Còn nếu gia đình nào đặt mua cũng phải xem ngày lành tháng tốt mới mang trống về nhà.
Được biết, một tuần xưởng làm trống 5 người của gia đình ông Lí Phủ Quyện làm được 60-70 cái, giá có thể là 300-400 nghìn đồng, cho tới 2 triệu đồng, kích thước to nhỏ, da bò hay sơn dương sẽ tùy theo yêu cầu của khách. Tuy vậy trống làm ra vẫn không đủ để bán cho người Dao Đỏ của vùng Tây Bắc. Các khách du lịch tới tham quan cũng đặt mua rất nhiều.
Ngoài làm trống, gia đình ông còn làm rất nhiều vật dụng truyền thống khác của người dân tộc như làm khèn, làm dao, làm rựa rừng… cho dân bản địa phương.
Nghề làm trống của người Dao Đỏ được xem là một nét văn hóa độc đáo đang dần biến mất khỏi đời sống văn hóa hàng ngày của người Dao Đỏ ở Tây Bắc. Vì vậy xưởng làm trống của Lí Phủ Quyện cũng trở thành nơi tham quan tìm hiểu văn hóa bản địa của nhiều khách du lịch.