Cơ Sở Sản Xuất Thùng Gỗ Bồn Tắm Tân Việt | co-so-san-xuat-thung-go-bon-tam-tan-viet

Một đời làm trống

29/10/24
 

 Một đời làm trống

Chúng tôi cho xe chạy lòng vòng quanh phố Hàng Trống với mong mỏi tìm được một xưởng làm trống hay chí ít cũng là một của hàng bán trống nhưng mọi hy vọng đều tiêu tan. Con phố cổ dài chưa đầy một cây số tịnh không thấy bóng dáng của hàng bán trống nào. Hỏi thăm qua mấy con phố cổ nữa, chúng tôi mới tìm đến được xưởng làm trống duy nhất còn sót lại ở Hà Nội của đại gia đình nghệ nhân Phạm Chí Tịnh trên phố Hàng Nón.

 

Nghệ nhân Phạm Chí Tịnh đang làm nhẵn tang trống để chuẩn bị căng mặt trống.

Sinh ra ở làng trống Đọi Tam (Duy Tiên - Hà Nam) đã có thương hiệu nổi tiếng cả nước, ông là một trong số ít nghệ nhân còn giữ được nghề làm trống cổ và cũng là một trong số ít người còn làm trống ở phố cổ Hà Nội. Hệ thống cửa hàng của gia đình nghệ nhân Phạm Chí Tịnh nằm gọn một khu trên con phố Hàng Nón và “ăn” sang tận gần cuối con phố Hàng Mành, đoạn giáp với phố Hàng Bông. Có lẽ do nhu cầu của thị trường mà gia đình ông ngoài làm trống còn bán cả các loại nhạc cụ dân tộc.

Trên gác 4 của ngôi nhà hình ngũ giác số 11 Hàng Nón rộng chừng 30m2 là xưởng làm trống của cả gia đình nghệ nhân Phạm Chí Tịnh. Xung quanh những bộn bề của cuộc sống, nhộn nhịp của phố phường, chúng tôi như bước vào một thế giới khác, lặng lẽ, thủng thỉnh, không vội vã khi đặt chân lên gác 4 nhà nghệ nhân. Những bằng công nhận nghệ nhân của các hiệp hội làng nghề, giấy khen, bằng khen được ông treo kín bức tường đã ngả màu rêu mốc, quanh phòng là lỉnh kỉnh những đồ nghề làm trống. Ông tâm sự với chúng tôi về chuyện nghề, chuyện đời. Trong cuộc đời của nghệ nhân 80 tuổi, dáng người nhỏ bé, có chuyện nhớ, chuyện quên. Thế nhưng, những bước đường thăng trầm của nghiệp làm trống, ông quả quyết là không bao giờ quên được dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời.

Ông cho biết, trong những năm 1945-1946, ở mỗi thôn đều có đội thiếu nhi cổ động làm vệ sinh, gặt hái mùa màng thì loại trống ếch được làm nhiều nhất, hàng làm ra không xuể. Hơn 10 năm trở lại đây, khi đất nước ngày càng phát triển, chùa chiền được sửa sang và xây mới nhiều hơn thì trống đánh ở đình, chùa cũng được đặt nhiều hơn.

Hơn 30 năm ông làm chủ nhiệm hợp tác xã Trường Xuân (hợp tác xã nghề trống và nhạc cụ dân tộc), sau đó hợp tác xã giải tán, ông về nghỉ không lương và mở hiệu làm trống ngay tại nhà đến tận bây giờ. Ông quả quyết, nghề trống với ông gắn bó như hồn và xác vậy, nếu không làm trống ông chẳng thiết làm gì nữa.

Từ thủa 13, 14 tuổi, khi đang đi học thì đất nước bị giặc Pháp xâm chiếm. Ông chạy loạn cùng cha mình vào Nghệ An - Hà Tĩnh, vừa đi vừa học nghề làm trống cổ để mưu sinh. Khắp chốn Cầu Bố, Rừng Thông,... (Thanh Hóa), cho đến Nam Đàn, Đô Lương, Rú Thành,... (Nghệ An), chỗ nào cũng đã từng in dấu chân tuổi thơ của cậu bé Chí Tịnh.

Những năm 1954, khi quân Giải phóng tiến về Thủ đô, tiếp quản đến đâu là bước chân ông đi tới đó. Cuối năm 1954, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, ông từ Hải Phòng về Hà Nội và ở nhờ nhà một ông cụ làm trống trên phố Hàng Hòm. Do không giỏi nghề, trống làm ra không bán được nên đã nhượng lại cửa hàng cho gia đình ông Tịnh. Với thương hiệu trống Đọi Tam đã nổi tiếng cả nước, cộng với độ bén của một người thợ tài ba, ông nhanh chóng gây dựng được thương hiệu của riêng mình. Hai năm sau (1956) ông chuyển cả gia đình về phố Hàng Nón, sinh sống và lập nghiệp từ đó đến giờ.

Ông khẳng định, với nghề trống, một bàn tay nghệ nhân tài hoa, một đôi tai thính cộng với sự am hiểu về âm nhạc chưa đủ, mà quan trọng người làm phải có tâm thật sáng. Tâm càng sáng thì tiếng trống càng âm vang, lan tỏa cùng đất nước trong những thời khắc lịch sử quý giá của dân tộc.

Năm 1959, ông được vinh dự làm mấy trăm chiếc trống to, nhỏ để Bác Hồ tặng Tổng thống nước Cộng hòa Inđônêxia Xu-các-nô.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, ông còn được Tổng cục Hậu cần Quân đội tới đặt hàng làm 500-600 chiếc trống Ngũ Lôi (loại cao 24cm, đường kính 24cm) để gửi vào miền Nam cổ vũ, động viên tinh thần quân và dân miền Nam đánh thắng giặc Mỹ.

Năm 2000, kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, ông cùng trai làng Đọi Tam đã có dịp cống hiến với thủ đô gần 300 chiếc trống hội. Chiếc trống to nhất được gọi là Trống Sấm. Với đường kính 2,01m, chiều cao 2,65m và thể tích lên đến 10m3. Đây là chiếc trống được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á lúc đó. Hiện ở Văn Miếu vẫn đang lưu bày chiếc Trống Sấm này.

Làm mặt trống

Đón chào Sea Games 22 năm 2003, ông cùng dân làng Đọi Tam đã có công làm cho tiếng trống khai hội âm vang trong lòng bè bạn, mang bản sắc Việt Nam giới thiệu cho bạn bè quốc tế…

Trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua, Hiệp hội làng nghề thành phố Hà Nội đã đặt ông làm chiếc trống có đường kính 2,35m, cao 3,1m, to nhất từ trước đến nay. Với chiếc trống này, ông phải cho thợ đi tìm khắp các vùng mới mua được hai bộ da trâu ở Thái Bình và Tuyên Quang để làm mặt trống, còn tang trống làm bằng gỗ mít phải đặt làm trong thành phố Hồ Chí Minh. Để làm trống cho kịp tiến độ, ông phải về quê huy động các thợ lành nghề trong làng làm mất 3, 4 tháng mới xong. Sau khi hoàn thành, trống được rước từ Đọi Tam lên Hà Nội, tái hiện lại cảnh Vua Lý Công Uẩn khi dời đô về Thăng Long khi xưa. Hiện nay, chiếc trống vẫn đang được trưng bày tại Hoàng thành để mọi người được chiêm ngưỡng.

Ông bộc bạch, để có thể giữ được nghề làm trống thì người nghệ nhân không chỉ am hiểu về trống mà còn phải biết làm thế nào để tiếng trống không bị phai nhạt trong đời sống văn hóa. Cũng vì thế ông luôn tự ý thức, gìn giữ cái tinh túy của nghề, không để sản phẩm thô xấu, chất lượng kém xuất hiện tại thị trường...

Sau nhiều năm tháng thăng trầm cùng nghề, nghệ nhân Phạm Chí Tịnh khẳng định, so với các nước trong khu vực thì trống nước ta đa dạng và gần gũi đời sống hơn. Trống của Trung Quốc có hình dạng to, thấp, mặt trắng vì da trâu được ngâm bằng nước vôi. So với trống của Trung Quốc thì trống nước ta có dáng cao và sang hơn. Nhiều khách nước ngoài qua du lịch, mang theo ảnh các mẫu trống lạ đến đặt làm, khi nhận sản phẩm hoàn thiện, họ đều hài lòng bởi độ khéo tay và sáng tạo của ông.

Tám người con của ông thì có năm người theo nghiệp cha. Trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua, con trai cả Phạm Chí Bích của ông vinh dự làm dàn trống đánh trong ngày khai mạc Đại lễ ở vườn hoa Lý Thái Tổ. Còn anh con trai thứ 5 - Phạm Chí Hồng cũng tham gia làm dàn trống đánh trong buổi tối hôm bế mạc Đại lễ.

Trước khi chia tay nghệ nhân Phạm Chí Tịnh, ông còn chia sẻ với chúng tôi rằng, nếu biết nghề thì dù khó đến mấy cũng có thể làm được. Những người làm trống để bán như gia đình ông ở phố cổ không còn được mấy người. Vì là nghề thủ công nên những người con đang theo nghề của cha cứ thủng thỉnh làm cũng không sợ đói. Tôi thấy mừng cho gia đình ông có thể sống được bằng nghề giữa buổi kinh tế thị trường.
phóng sự trống đọi tam

 

Duy Long (tổng hợp)

Liên hệ
^ Về đầu trang
Giỏ hàng