Nghề làm trống ở An Quang
Nghề làm trống ở An Quang
Trống An Quang hoàn thiện được tiêu thụ ở nhiều địa phương.
Ông Nguyễn Đình Chiện, chủ một hộ có 4 đời làm trống ở thôn An Quang cho biết: “Bưng trống không chỉ đơn giản là căng da trên mặt rồi dùng đinh vâu hoặc tre đóng cố định vào thân mà còn đòi hỏi người làm phải thẩm định được tiếng trống ăn vào âm vực cao hay thấp. Công việc này chỉ những người có kinh nghiệm lâu năm mới làm được. Mỗi loại trống làm ra đều có những quy chuẩn nhất định nhưng phải đảm bảo được độ rền, độ vang. Thời gian để hoàn thành một chiếc trống phụ thuộc vào kích cỡ của từng loại. Thông thường, những chiếc có kích cỡ trung bình (đường kính mặt trống từ 20-50cm) sẽ mất từ 2 - 4 ngày, loại to thì mất nhiều thời gian hơn.
Trống An Quang sau khi hoàn thành được đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh và mang sang cả các tỉnh bạn như: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Lạng Sơn.... Chiếc nhỏ nhất hiện có giá từ 300 - 500 nghìn đồng, chiếc to hơn có giá khoảng 10 triệu đồng, thậm chí có những chiếc lên đến cả trăm triệu. Theo một số hộ làm trống ở đây, nếu có đơn đặt hàng thường xuyên thì trừ chi phí, thu nhập mỗi tháng khoảng chục triệu đồng. Nhờ đó, nhiều gia đình đã thoát nghèo, xây được nhà khang trang, có của ăn của để.
Mặc dù vậy, trong những năm gần đây nghề làm trống ở An Quang cũng đang gặp phải không ít khó khăn do thiếu cả nguồn cung lẫn nguồn cầu. Nguyên liệu chính là gỗ mít ngày một khó tìm, da trâu thường được lấy ở cơ sở Văn Thai (Gia Bình) hiện nay cũng rất hiếm bởi nhiều gia đình không còn nuôi trâu. Thêm vào đó, trống có độ bền cao nên phải khá lâu. Những khó khăn đó đã khiến một số hộ bỏ nghề, chuyển sang buôn bán hoặc làm các nghề phụ khác.
Ông Nguyễn Viết Khê, trưởng thôn An Quang cho biết: “Hiện chúng tôi đang xây dựng kế hoạch để bảo vệ nghề làm trống truyền thống bởi đây là một nghề có tiềm năng phát triển, rất cần sự quan tâm của các cấp các ngành trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm”.
Chia tay An Quang, ấn tượng còn đọng lại trong chúng tôi là những thanh âm rộn ràng của một làng nghề đang vào vụ. Dù xã hội có hiện đại đến đâu thì vẫn sẽ chẳng thể thiếu vắng tiếng trống trong mỗi dịp hội hè, đình đám… Đó là cơ sở cho những người thiết tha với nghề làm trống vượt qua khó khăn, tìm ra hướng đi mới phù hợp.