Cơ Sở Sản Xuất Thùng Gỗ Bồn Tắm Tân Việt | co-so-san-xuat-thung-go-bon-tam-tan-viet

Nghề làm trống trên đất Hương Thủy

29/10/24
 

Nghề làm trống đọi tam trên đất Hương Thủy


Ngày cập nhật: 17/09/2012
Những chiếc trống trên đất Hương Thuỷ

Cùng với quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá và tác động của kinh tế thị trường nghề làm trống gỗ truyền thống phương Bắc vẫn sống được trên đất Hương Thuỷ.


Trong những năm gần đây điều kiện kinh tế của người dân Thừa thiên Huế nói chung, Hương Thuỷ nói riêng đã và đang được nâng lên rõ nét, theo đó việc xây dựng mới, trùng tu sửa chữa đình, chùa, nhà thờ họ phái được quan tâm cùng với việc khôi phục nhiều lễ hội truyền thống, tết Trung thu, tế lễ thường niên của họ, làng…tất cả các hoạt động đó đều cần đến tiếng trống, tiếng trống vang lên là sự thôi thúc, dục dã tinh thần nhiệt thành của mọi người đến với lễ hội, đến với lễ tế của làng xóm, họ phái; tiếng trống góp phần quan trọng làm cho lễ hội thêm tươi vui, thêm sôi nổi, lễ tế trang nghiêm hơn, đỉnh đạc hơn.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó đã thôi thúc anh em Lê Ngọc Huy, Lê Ngọc Hoàng người làng làm trống gỗ lừng danh ở thôn Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam quyết tâm quay lại với nghề gia truyền trên đất Hương Thuỷ sau nhiều năm đã chuyển sang làm việc khác để mưu sinh. Biết rằng trống không phải là thứ phục vụ cho sinh họat hàng ngày nên nhu cầu người dùng cũng có hạn nên để trở lại với nghề các anh đã phải mất nhiều năm tháng rong ruổi khắp các làng quê ở Huế để “tiếp thị” theo kiểu “rao vặt” kết hợp với sửa trống bị hỏng, giới thiệu các loại trống do các anh sản xuất bảo đảm chất lượng tốt, giá cả phù hợp với các tập thể có nhu cầu sử dụng trống như trường học, làng, họ, phái…Thoạt nhìn, làm trống có vẻ đơn giản như những nghề thủ công khác, vật liệu chính để làm ra cái trống chỉ là gỗ mít và da trâu, nhưng để trống có chất lượng cao và bắt mắt thì phải vận dụng linh hoạt những bí quyết nhà nghề. Anh Huy cho biết, làm trống là một công việc rất kén chọn người, không phải cứ ai muốn theo nghề cũng có thể trở thành thợ giỏi, người làm trống cũng giống như một người nghệ sỹ phải có sự đam mê, phải biết thẩm định âm thanh để xác định độ vang của trống. Trống đình, trống chùa khác với trống múa lân, trống cổ động bóng đá, trống đua thuyền…Ở công đoạn làm tang trống, người thợ phải tính toán chuẩn xác để ráp những mảnh trống lại theo một độ cong và độ cao hài hòa. Khâu căng mặt trống cũng đòi hỏi sự công phu và khéo léo cao độ. Cùng là da của một con trâu nhưng người tinh nghề phải phân biệt được độ giãn khác nhau của da nách, da đùi, da cổ và da lưng để áp dụng lực căng hợp lý nhằm tạo ra âm thanh theo ý muốn.

 

Anh Huy và gia đình với quy trình sản xuất trống

Không phụ lòng người yêu nghề, trải qua thời gian chịu thương, chịu khó lặn lội để tìm nơi tiêu thụ những chiếc trống gia truyền, nghề làm trống trên đất Hương Thuỷ đã mang lại cho gia đình anh một cuộc sống khá giả, đàng hoàng với ngôi nhà mới xây khá hiện đại, có mặt tiền đường quốc lộ IA rộng 10 mét làm cơ sở sản xuất trống. Những tưởng nghề làm trống của gia đình, quê hương các anh đã chuyển thành kỷ niệm “vang bóng một thời”, nhưng nay những chiếc trống lớn, trống vừa, trống bé liên tục ra đời trên đất Hương Thuỷ, tiếp tục theo chân người dùng đi khắp các nơi trong và ngoài tỉnh; đây có thể là điều kiện, là cơ hội để bảo tồn một nghề truyền thống của dân tộc (bởi lẽ sản phẩm nghề truyền thống dù đẹp, du tốt, dù tinh xảo đến đâu mà không tiêu thụ được thì khó có thể tồn tại được), đồng thời góp phần làm phong phú, đa dạng thêm sản phẩm của ngành nghề thủ công ở Hương Thuỷ trong tiến trình công nghiệp hoá, đô thị hoá hiện nay.

Trương Cường  

Liên hệ
^ Về đầu trang
Giỏ hàng