Người Đưa Trống Đọi Tam Phất Triển
Người Đưa Trống Đọi Tam Đi Tây
Nói đến nghề làm trống thì phải nói tới thôn Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, làng nghề truyền thống có từ lâu đời, nổi tiếng trong cả nước, làm ra hàng ngàn chiếc trống phục vụ lễ hội Thăng Long.
Ít có ai nghĩ giữa Sài Gòn lại có nghề Trống Làng Đọi, trống của anh không chỉ có mặt tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, ĐBSCL mà còn đi cả nước ngoài. Đó là anh Lê Thế Hùng sinh năm 1959, đã có trên 30 năm trong nghề, hiện ngụ tại số 18A Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 - TPHCM,
chuyên sản xuất và kinh doanh các loại trống như trống đân tộc, trống đội, trường học, làm các hợp đồng xuất khẩu trống đi nước ngoài. Qua tìm hiểu anh cho biết: Anh sinh ra ở thôn Đọi Tam hay còn gọi là (Đọi Đệm), làng nghề cha truyền con nối: ""Tôi cũng mê cái nghề này lắm hồi còn bé vừa đi học vừa theo bố đi làm, cái nghề đi khắp thiên hạ, đi tới đâu mang đồ nghề tới đó, nhiều khi đi bộ mấy chục cây số vừa đi vừa gồng gánh"".
Ở mãi trong lũy tre làng cũng buồn, anh thử ""Mang chuông đi đánh nước người"". Năm 1981 anh khăn gói vào Sài Gòn, gia tài vẻn vẹn hai bộ quần áo, một ít da trâu, một số đồ nghề. Lúc đầu cũng vất vả lắm, phải đi thuê nhà để ở, cũng may vào đầu Tết Trung thu, sẵn đồ nghề anh làm luôn, mấy người hàng xóm nghe tiếng trống cũng thấy hay hay liền mua cho bọn trẻ để múa lân. Người thì mang trống tới nhờ bưng lại mặt trống, ông thầy giáo ở bên cạnh đặt mua một cái cho trường để đánh vào ngày khai trường.
Tiếng lành đồn xa, dần dần các trường ở trong thành phố tới đặt hàng mỗi ngày một nhiều. Năm 1982 anh mở cửa hàng bán trống lấy thương hiệu là ""Thế Gia”. Để thương hiệu tồn tại và phát triển anh thường xuyên nhắc nhở thợ luôn luôn lấy ""chất lượng-uy tín"" làm đầu. Chính vì vậy tiếng trống của anh ngày càng vang xa. Một hôm anh đang thử trống cho khách ở cửa hàng, có một người Nhật Bản đi ngang qua, tiếng trống ""Thế Gia" đã lọt vào tai vị khách ấy, ông vào cửa hàng ngắm thật lâu, sờ mó, gõ thử rồi gật đầu tỏ vẻ hài lòng. Ông mua mấy cái mang về nước, năm 2002 ông thương gia người Nhật sang ký hợp đồng mua trống Việt Nam và đặt làm một số loại Trống Nhật.
Anh tâm sự nghề làm trống không khó lắm, ai làm cũng được; nhưng nghe và điều chỉnh âm thanh cho chuẩn thì không phải đơn giản. Nguyên liệu chính là da trâu và gỗ mít; da trâu tươi mua về bào mỏng căng ra phơi khô, gỗ mít phơi khô xẻ cong ghép lại thành tang trống. Âm thanh trống phụ thuộc vào đường kính, chiều cao của trống, da trâu hoành tròn, ngâm khoảng 1 giờ, dùi lỗ, buộc, bịt mặt trống, đóng nêm, giận gót chân, sảm (thử độ kêu), khoan lỗ, đóng đinh tre, cắt đinh là ra thành phẩm. Hiện nay xuởng chủ yếu sản xuất trống dân tộc và trống đội trường học, trống inox, trống Bongos, thùng rượu. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh thành phía Nam, trống đội thị trường ra tới Hà Nội.
Ngoài ra anh làm một số hợp đồng cho nước ngoài như Nhật và Việt kiều Mỹ, năm 2004 anh xuất qua Nhật khoảng 10.000 cái. Vừa rồi anh sản xuất 30 cái trống cho đoàn Bông Sen để phục vụ lễ hội kỷ niệm 30 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, một bộ trống 5 cái trưng bày ở đền Bến Dược Củ Chi, cái lớn nhất 1,6 m, một số trống ở khu du lịch Suối Tiên...
Qua việc làm nghề trống của gia đình anh Lê Thế Hùng đã góp phần đáng kể trong việc gìn giữ và bảo tồn nghề truyền thống, một nét đẹp văn hóa của dân tộc. Tiếng trống Thế Gia nói riêng tiếng trống Làng Đọi Tam nói chung không chỉ ngân vang trong nước mà còn vươn xa khắp bè bạn quốc tế.
(Theo Nông nghiệp)