Người làm trống làng Đọi Tam
Người làm trống làng Đọi Tam
Năm 2009, anh Lê Khánh Tiết được phong tặng nghệ nhân sau khi dàn trống hội Thăng Long do người làng Trống Đọi Tam làm được trình diễn.
Nghệ nhân làm trống Lê Khánh Tiết trang trí hình chim Lạc trên mặt trống
Trong các nhạc cụ truyền thống thì trống ra đời sớm nhất gắn liền với các hoạt động lễ hội hoặc để khích lệ quân lính trước khi ra trận. Trong một lần đi qua thị tứ Đoàn Thượng (Gia Lộc), tôi đã được chứng kiến quá trình tạo tác loại nhạc cụ độc đáo này. Chứng kiến sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ làm trống và không khỏi ngỡ ngàng thú vị trước sức sáng tạo của cha ông xưa.
Vừa dùng dùi gỗ để ghép những tang trống định hình trong vòng thép, nghệ nhân Lê Khánh Tiết tâm sự: "Tôi vốn là người làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Làng tôi có nghề làm trống cổ truyền từ xa xưa. Tương truyền cách đây hơn 1.000 năm, có hai anh em tên Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản khi đi qua làng Đọi Tam thấy có nhiều gỗ mít liền chọn làm nơi định cư để hành nghề làm trống. Khi vua Lê Đại Hành về làng cày ruộng tịch điền khuyến nông (năm 986), cụ Bản, cụ Năng đã tự tay làm một cái trống to để đón vua. Vì tiếng trống vang như sấm nên hai ông được dân làng tôn là Trạng Sấm. Trong buổi tịch điền, vua có cày thi với Trạng Sấm, kết quả vua thua. Từ đó, hai ông được tôn làm tổ nghề và khi mất được dân làng thờ làm Thành hoàng làng". Cũng như các nhà khác trong làng, làm trống là nghề gia truyền của gia đình nghệ nhân Lê Khánh Tiết. Ngay từ nhỏ, anh đã được cha dạy cho những công đoạn làm trống. Đến năm 12 tuổi, anh đã có thể tự bưng được trống. Gia đình anh hiện có 5 anh em cùng theo nghề làm trống. Từng đi làm trống ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình. Năm 1987, anh tới xứ Đông và bén duyên với mảnh đất này. Anh Tiết thường nhận làm trống cho các đình, đền, các trường học, thôn, khu dân cư... Cùng làm nghề với anh còn có hai người cháu từ quê ra. Theo anh, nghề làm trống chỉ đắt hàng theo mùa, đó là dịp lễ hội đầu xuân, dịp thanh, thiếu niên sinh hoạt hè, dịp tựu trường. Chỉ cho chúng tôi xem mấy chiếc trống, anh bảo đó là các trường học đặt làm. Theo anh Tiết trống có năm, bảy loại khác nhau, mỗi loại đòi hỏi một kỹ thuật làm riêng. Loại to nhất được gọi là trống sấm, đường kính mặt trống có thể tới hơn 2m, do 50-60 miếng dăm trống ghép lại, da để làm mặt trống phải là da trâu đực mộng. Loại trống bé hơn là trống đại, có đường kính mặt 70-80 cm, do 18-30 miếng dăm trống ghép lại. Loại trống bé nhất là trống đế (trống khẩu) có đường kính 15-18 cm dùng trong nghệ thuật chèo. Ngoài ra còn có các loại trống khác từ tên gọi đã toát lên sự độc đáo: trống xình, trống bản, trống cơm, trống ngũ lôi hay trống giả trống đồng, trống có hình hoa rau muống... Ở tỉnh ta có hai chiếc trống lớn do anh Tiết làm, một chiếc có đường kính hơn 1 m đang được treo tại Đền Liệt sĩ Tứ Kỳ và một chiếc có đường kính 1,2 m được treo tại đền thờ cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (Thanh Miện). Ngoài ra còn rất nhiều trống hiện đang được sử dụng tại các khu di tích lịch sử, ở các trường học đều do bàn tay người nghệ nhân làng Đọi Tam làm.
Anh Tiết chia sẻ: Để chế tác một chiếc trống, khâu đầu tiên là làm tang trống. Tang trống nhất thiết phải làm bằng gỗ mít. Sau khi gỗ được xẻ ra phải gọt bào cho nhẵn thành các dăm cong. Đây là khâu khó nhất. Một người thợ mộc tài hoa có thể làm ra những đồ gỗ mỹ nghệ đẹp mắt song lại không thể làm được dăm trống nếu không biết nghề. Khi các dăm trống được ghép thành tang, gắn cốn, đổ nước không rò mới đạt. Tang trống sau khi ghép được khóa bằng đai song hoặc tre. Mặt trống làm bằng da trâu và phải trải qua một quá trình sơ chế cực kỳ công phu và phức tạp: da được đem ướp phèn cho rắn lại sau đó bào cho có bề mặt thích hợp, tiếp đến phải đem căng rồi phơi dưới nắng. Da trâu càng được nắng, tiếng trống càng vang xa. Quá trình bào da, người thợ phải hết sức khéo léo, nếu miếng da trâu dày hoặc mỏng quá tiếng trống sẽ biến âm. Công đoạn bưng trống là khâu khó nhất. Không chỉ là căng tròn da trâu trên mặt trống rồi dùng đinh tre đóng cố định vào thân trống mà còn đòi hỏi người làm trống có tai thính để thẩm định tiếng trống ăn vào nốt nhạc nào trong dàn trống. Phải là thợ có tay nghề, có khả năng thẩm âm mới đảm trách được khâu này. Khi chiếc trống hoàn thành, một khâu nữa là sơn và trang trí cho trống. Thường phần tang trống được sơn màu đỏ, trên có vẽ các họa tiết tản vân. Mặt trống được khoanh các hình tròn, vẽ các tản vân và hình chim Lạc.
Ngoài 40 tuổi, anh Lê Khánh Tiết đã gắn bó trên 20 năm với mảnh đất xứ Đông. Năm 2009, anh được phong tặng nghệ nhân sau khi dàn trống hội Thăng Long do người làng Trống Đọi Tam làm được trình diễn. “Làng tôi hiện có khoảng 400 thợ trống làm nghề trên cả nước nhưng chỉ có 40 người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân”, anh Tiết cho biết.
NGỌC HÙNG