Những tục lệ "kỳ lạ" ở làng trống Đọi Tam
Những tục lệ "kỳ lạ" ở làng trống Đọi Tam | ||||||||||||||||||||||||||||
Cập nhật ngày: 22/06/2011 21:54:51 | ||||||||||||||||||||||||||||
Làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy tiên, tỉnh Hà Nam nằm dưới chân núi Đọi, Đọi Tam nổi tiếng là một làng nghề gia truyền có từ lâu đời. Đọi Tam mang dáng dấp của một làng Việt cổ với những cây đa, cây gạo xù xì cả trăm năm tuổi, giếng làng với những cây si toả bóng, rễ chảy dài dưới mặt nước, đình làng là nơi lưu giữ những giá trị văn hoá, tâm linh của làng đều còn giữ được nguyên vẹn mà ít nơi nào có được.
Ông Lê Ngọc Hùng, một nghệ nhân nổi tiếng trong làng cho biết, nghề làm trống ở Đọi Tam đã có từ lâu đời (trên 1.000 năm), ông tổ của làng này tương truyền là hai anh em ông Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản. Truyền thuyết kể lại rằng năm 986, được tin vua Lê Đại Hành sửa soạn về làng cày ruộng tịch điền khuyến nông, hai anh em họ đã tự tay làm một cái trống to để đón vua. Tiếng trống cất lên rền vang như tiếng sấm nên về sau hai ông được dân làng tôn là Trạng Sấm. Trống Đọi Tam xưa kia chủ yếu được đặt làm to để phục vụ lễ hội lớn trong làng hoặc đặt ở công đường để người dân dóng trống kêu oan. Người trong làng tay gồng tay gánh đồ nghề đi khắp nơi làm trống. Trống không chỉ cùng quân ra trận, trống còn giục đắp đê, trống hội ngày xuân, trống gọi trẻ đến trường... Hiện nay, chiếc trống to nhất Việt Nam là trống Sấm có đường kính 2,35 mét, cao 3 mét, nặng khoảng 1.300 kg do gia đình ông Phạm Chí Khang cùng hơn 10 nghệ nhân, thợ giỏi của làng trống Đọi Tam phối hợp thực hiện. Ở Đọi Tam, nghề làm trống chỉ truyền cho con trai và con dâu chứ không truyền cho con gái. Đây là nội quy truyền miệng của tất cả các gia đình trong làng, đặc biệt cấm kỵ việc truyền nghề cho người ngoài. Để tạo ra được một chiếc trống hoàn chỉnh, người dân làng Đọi Tam phải trải qua 3 công đoạn chính: Làm da, làm tang và bưng trống. Da trống được làm bằng da trâu. Da trâu được cạo lớp phôi cho mỏng rồi đem phơi khô. Tang trống được làm bằng gỗ mít khô, xẻ cong. Mỗi cây gỗ được chia làm nhiều dăm. Người thợ làm trống sẽ làm cho các dăm gắn kết lại với nhau, tạo thành trống kín, khít, tròn. Dăm trống không được phép nối vì sẽ ảnh hưởng tới âm thanh. Bưng trống là việc khó nhất. Không chỉ đơn giản là căng tròn da trâu trên mặt trống rồi dùng đinh bằng vầu hoặc tre đóng cố định vào thân trống, việc bưng trống còn đòi hỏi người làm trống có tai thính để thẩm định tiếng trống ăn vào nốt nhạc nào trong dàn trống. Để làm ra một chiếc trống tốt, điều quan trọng nhất chính là miếng da trâu căng trên mặt trống. Bởi vậy, hầu hết những người thợ làm trống ở Đọi Tam thường cất công đi tìm mua những con trâu mộng to khỏe, rồi tự tay giết thịt vì họ sợ những tay đồ tể làm ăn qua loa sẽ làm hỏng mất bộ da trâu quý giá. Từng mảng da ở đầu, gáy. thậm chí là ở tứ chi cũng được người thợ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định đưa dao rạch. Sự tinh túy của trống Đọi Tam cũng bởi kỹ thuật xử lý da trâu hơn hẳn các làng nghề khác.
Da trâu sau khi được xử lý là phải phơi ngay để được hong khô, có như vậy tiếng trống mới ấm, vang xa. Trong quá trình bào da, những người thợ có tay nghề phải dồn hết tâm trí vào công việc. Nếu miếng da trâu dày hoặc mỏng hơn “tiêu chuẩn”, tiếng trống sẽ biến âm. Thế nên, cùng một trống cái, hai mặt trống sẽ cho những âm thanh rất khác nhau. Anh Phạm Tài, một thợ làm da cho biết, mổ xong trâu để lấy da đã mệt, nhưng đến khi bào da còn mệt hơn gấp bội, mỗi đường bào đều phải hết sức khéo léo, chỉnh chu, chỉ cần mất tập trung lỡ tay, thừa lực là làm hỏng ngay miếng da trống.
(Theo Danviet) |