NƠI TRẺ NGHE TIẾNG TRỐNG TỪ TRONG LÒNG MẸ
Làng nghề trống Đọi Tam xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam
Nơi trẻ nghe tiếng trống từ trong lòng mẹ
Chúng tôi gặp nghệ nhân Phạm Hùng Bì (83 tuổi đã mất năm 2010), đã có thâm niên hơn 60 năm làm trống. Ông nhớ lại những ngày đầu tiên theo cha đi khắp nơi làm trống, ngày đó mọi thứ đều làm bằng tay chứ không có máy móc như bây giờ. “Ngày ấy ông mới có 12 tuổi, theo cha đi học nghề khắp nơi. Từ Thái Bình, Hải Hưng, Hải Phòng đến tận Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An,... không chỗ nào không có dấu chân hai cha con. Hành trang mang theo chỉ có cuộn da trâu và hộp đồ nghề. Hai bàn chân đi đất ngày đó không hề biết mỏi.
Ông dẫn tôi đến nhà anh con rể. Anh tên là Nguyễn Văn Nam, cũng là người làng, lấy vợ từ năm 21 tuổi, giờ hai vợ chồng mở một xưởng trống riêng. Trong nhà, một dãy trống cỡ lớn đang nằm gọn gàng một bên,bên kia là những bao thóc chồng lên nhau. Anh Nam vẫn không ngừng tay đục, nói vọng vào: “Nhà có cấy mấy sào ruộng để lấy gạo ăn thôi. Chứ cứ có trống trong nhà là như có thóc có gạo dự trữ rồi cô ạ...”.
CSSX trống Tân Việt - Làng nghề trống Đọi Tam vang danh
Chúng tôi tạm biệt hai cha con ông Bì, tìm đến nhà nghệ nhận Nguyễn Chi Khang. Trời lạnh mà bác thợ Khang vẫn xoay mình trần xếp dăm cho chiếc trống cỡ lớn đang thành hình. Căn nhà của bác chật ních các loại trống, trống cơm dài nhỏ treo trên tường, trống hội cỡ lớn chiếm gần nửa gian nhà, bên trên là các loại trống quân, trống cái, trống đế, trống bồng...
Trong tủ kính có bằng chứng nhận nghệ nhân giỏi và nhiều ảnh chụp bác bên những chiếc trống trong các ngày hội lớn của làng, của nước. Ngày trước, bác Khang là một trong những học sinh giỏi của tỉnh Hà Nam Ninh cũ. Bác từng được nhận phần thưởng học sinh giỏi của Bác Hồ là một cây bút Kim Tinh, năm nào cậu trò Khang cũng được lên đánh trống khai trường. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bác không thể theo con đường học vấn. 13 tuổi, bác bỏ học theo cha đi làm trống khắp nơi. Những ngày đầu tiên đi xa, đôi chân sưng phồng bỏng rộp, bác khóc nhiều nhưng vẫn quyết tâm đi theo con đường của cha...
Để làm ra một chiếc trống cần trải qua rất nhiều công đoạn và đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao
Ngày trước, người Đọi Tam đi khắp nơi làm trống, từ Bắc vào Nam, đâu cũng nghe danh. Có người định cư lại ở những vùng đất mới, họ sinh con, đẻ cái rồi lại tiếp tục cái nghề của cha ông để lại. Cứ thế, đời cha truyền cho con, ông truyền cho cháu...
Bác Nguyễn Chi Khang tự hào: “Bây giờ trên khắp nơi, cứ nơi nào làm trống thì đa số là người làng Đọi Tam. Trẻ con trong làng nghe tiếng trống từ khi còn trong bụng mẹ. Lớn lên một tí thay vì đẽo quay, đẽo khăng, chúng nó bắt chước cha, anh đẽo từng chiếc dăm trống. Trong làng lúc nào cũng có khoảng 500 người làm trống...”.
Bác Lê Ngọc Dương, một trong những người có xưởng trống lớn trong làng, có cậu con trai năm nay học lớp 9. Ngoài giờ học, cậu bé giúp bố xẻ dăm làm trống. Những người thợ làm ở xưởng này tấm tắc: “Toàn bộ dăm ở cái xưởng này do nó cưa đấy cô ạ. Thế mà cái nào cũng cong, cũng vừa khin khít”.
Chúng tôi hỏi bác Khang bí quyết để trống Đọi Tam kêu hay, đẹp và bền? Bác cười: “Người ta cứ nói có bí quyết thế này, có bí quyết thế kia chứ thực ra không phải. Nghề này không khó, quan trọng là người thợ phải có cái tâm, có lòng kiên trì”.
Theo người thợ làng nghề Đọi Tam bí quyết chỉ nằm ở cái tâm và tính cẩn thận
Để làm ra một chiếc trống không hề đơn giản, người đi tìm da trâu già, gỗ mít khô không hề dễ dàng, nhưng ngày cả những người thợ phụ quét sơn cũng phải lựa tay sao cho nước sơn thật đều và nhẵn bóng. Một chiếc trống phải được sơn 5 lớp sơn, nhìn chiếc trống bóng bẩy, tươi mãu sơn, không tì vết là biết ở đó chưa đựng bao nhiêu những tâm huyết sự cẩn thận cửa người thợ trống Đọi Tam. Mỗi chiếc trống đều có âm thanh riêng biệt, không cái nào giống cái nào. Cái khó của người thợ trống sao cho trống trường học nó ra tiếng trống trường,
trống hội nó ra tiếng trống hội, trống hát văn cho ra tiếng hát văn đó là cái khó của người thợ trống Đọi Tam... Tiếng trống mà đục mà thô là do người ghép dăm trống chưa khéo, hoặc do gỗ mít hoặc mặt da trâu chưa khô kiệt, hoặc do người bịt trống chưa khít... làm một chiếc trống không thể dễ dàng.