Trống dàm mường Én
Trống dàm mường Én
trống dàm không khác chi trống tân việt, chỉ khác là trống dùng chung với cồng chiêng
Lạ thay tên gọi “trống dàm”
Trống dàm là bộ nhạc khí gồm trống và chiêng chứa hai bộ phận cấu thành: nhạc khí và kiểu diễn tấu. Trống trong trống dàm là loại trống to, hai mặt bưng da trâu, mặt trống hình tròn, đường kính khoảng 40-60cm, thân trống hình trụ rỗng ghép bằng gỗ mít phồng đều ở giữa, dài khoảng 60-80cm. Thoạt nhìn, trống dàm chẳng có gì khác so với trống trường học, trống cái trong các hội, đám ở các đình làng trên hầu khắp đất nước Việt Nam.
Không dễ lý giải cái tên “trống dàm” mà cần xem xét cách đặt tên chiêng của người Mường. Theo ông Kiều Trung Sơn, một người nghiên cứu rất nhiều về văn hóa cồng chiêng mường Thanh Hóa thì: “Người Mường có cách đặt tên chiêng theo âm khu và theo chức năng của chiêng trong dàn chiêng. Dàm là loại chiêng có chức năng giữ nhịp ở âm khu thấp, khi tham gia sắc bùa, nhiều chiêng dàm cùng đánh tạo tiếng “khầm” đặc trưng của bài chiêng Mường. Trống dàm có tiếng trầm, vang; tuy màu âm khác nhưng độ trầm và độ vang của trống đủ để thay thế cả nhóm chiêng dàm...” Như vậy, về âm khu cũng như âm lượng, chiêng dàm với trống dàm tương đương nhau.
Khi diễn tấu trống dàm, trống và chiêng để cố định. Cụ thể là hai chiếc chiêng treo gần nhau trên một cái giá và một trống cái đặt bên cạnh để cho một người đánh. Đánh được trống dàm phải là người khéo léo, hiểu biết hoặc có năng khiếu âm nhạc. Đứng trước hai chiêng, nghệ nhân cầm hai dùi biểu diễn như múa, một tay đánh dùi lên trống, một tay đánh dùi lên chiêng và phải đánh khác với chiêng sắc bùa.
Tuy nhiên, như các cụ cao niên ở mường Én cho biết thì chiêng dàm của sắc bùa và trống của trống dàm cùng có chức năng giữ nhịp, xác định một mô hình âm nhạc bằng những điểm nhấn, rõ ở đầu phách, dù là câu ngắn hay dài đều có âm nhấn để phân biệt. Vì lẽ đó các cụ cho rằng có tên gọi trống dàm là xuất phát từ cách gọi chiêng dàm của người Mường.
Chỉ có ở mường Én
Hầu hết người Mường ở mường Én hiện nay chủ yếu là dân di cư từ vùng mường Vang, Hòa Bình. Thế nhưng, ở mường Vang cộng đồng người Mường lại không biết trống dàm là gì.
Nhiều người, trong đó có cả các nhà sưu tầm văn hóa dân gian xứ Thanh, vẫn chưa thể kết luận về sự hình thành và ra đời của trống dàm mà mới chỉ giả thiết về sự ảnh hưởng giao thoa văn hóa Mường - Thái đối với trống dàm. Theo đó, người Thái ở Thanh Hóa có kiểu đánh một trống với một hoặc hai chiêng, nhưng tiết tấu nhịp điệu khác hẳn trống dàm, gọi l�tí coóng tí côông. Khi diễn tấu trống chiêng, người Thái dùng một trống với từ một đến bốn chiêng, nghĩa là gần giống biên chế trong trống dàm Mường). Số người đánh bộ nhạc khí này là từ một đến hai người, tùy thuộc vào số chiêng trong bộ nhạc khí. Nếu chỉ một hoặc hai chiêng cần một người, thì từ ba đến bốn chiêng cần hai người. Như vậy, phải chăng biên chế và cách đánh tí coóng tí côông của người Thái đã được (bị) người mường Én “vay mượn” để áp dụng cho những lần trình diễn có cốt cách của cồng chiêng sắc bùa mà thành trống dàm? Hơn nữa, tên “trống dàm” và chức năng của trống trong kiểu đánh cho thấy ảnh hưởng của sắc bùa. Và, phải chăng trống dàm là sự cộng hưởng văn hóa Thái - Mường để rồi cho ra một kết quả hoàn toàn không một xứ mường nào ở Việt Nam có nữa?
Nhạc cụ quý cần được bảo tồn
Trống dàm mường Én thường được đánh vào các dịp vui của cộng đồng người Mường như dịp Tết, khai hạ, mừng nhà mới… Trống dàm thường được đặt cố định ở một nơi rộng rãi và chỉ một người đánh để “thu hút” được nhiều người tới dự hội…
Trống dàm thường được trình diễn song song với sắc bùa mà ở mường Én bây giờ, để tổ chức một hội hát sắc bùa không hề đơn giản. Muốn tổ chức sắc bùa lẽ dĩ nhiên phải kiếm đủ số chiêng tối thiểu cho một bộ chiêng và phải có đủ số người biết đánh chiêng tương ứng với số chiêng đó. Bây giờ, ở mường Én mỗi khi đến ngày vui, mọi người lại phải chạy đi các Mường khác mượn chiêng. Nhưng khó mà tìm cho đủ số chiêng đảm bảo vừa lành lặn, vừa có âm hay. Vì vậy, so với sắc bùa, tổ chức trình diễn trống dàm “nhẹ gánh” hơn nhiều bởi chỉ cần hai chiêng, một trống và một người trình diễn.
Tuy nhiên, nghệ thuật trình diễn trống dàm xưa nay ở mường Én chỉ mới được gìn giữ bằng phương cách truyền khẩu mà chưa hề có bất kỳ một “giáo trình” hoặc một tài liệu hướng dẫn đầy đủ và bài bản. Các nghệ nhân lão làng thì tuổi đều đã cao, sức đã yếu, không thể vung dùi khua trống mà truyền dạy cho con cháu được nữa.
So với cồng chiêng sắc bùa, trống dàm mường Én có ba điểm khác biệt cơ bản dẫn đến khác biệt về kiểu đánh: 1. Có trống tham gia cùng cồng chiêng. 2. Có không gian trình diễn cố định. 3. Chỉ do một người diễn tấu. Đối với người đánh chiêng sắc bùa, quan trọng là nhớ bài và nhớ vị trí âm của mình trong bài, đợi đúng lúc mới được đánh; còn đối với người đánh trống dàm, quan trọng là phải hết sức khéo léo, vận động chính xác cả hai tay liên tục trong thời gian dài. Ở mường Én, trong truyền dạy trống dàm, người ta sử dụng những từ có nghĩa, với các dấu của những từ đó ứng với cao độ của mỗi chiêng trống gắn với tên của một số triều đại quân chủ của Việt Nam (Lý, Trần, Lê) áp dụng vào đọc bài chiêng: Trống ứng với Trần. Chiêng thấp ứng với Lê. Chiêng cao ứng với Lý. Ba từ Lý, Trần, Lê đọc rất thuận miệng cho dù có đảo thứ tự Lý - Lê hay Lê - Lý (vị trí âm nhấn của Trần không đổi). |