Hotline : 0977.234.398
NGHE TIẾNG TRỐNG TỪ LÒNG MẸ
Người Đọi Tam đi khắp nơi làm trống, từ Bắc vào Nam, đâu cũng nghe danh. Hà Nam là tỉnh có truyền thống văn hoá lâu đời với sự phát triển rực rỡ của nhiều làng nghề thủ công truyền thống như dệt lụa Nha Xá, mây giang đan Ngọc Động (Duy Tiên), sừng mỹ nghệ (Bình Lục), gốm Quyết Thành, nghề mộc (Kim Bảng), thêu ren Thanh Hà (Thanh Liêm)

 Nơi trẻ nghe tiếng trống từ lòng mẹ

 Người Đọi Tam đi khắp nơi làm trống, từ Bắc vào Nam, đâu cũng nghe danh.

Hà Nam là tỉnh có truyền thống văn hoá lâu đời với sự phát triển rực rỡ của nhiều làng nghề thủ công truyền thống như dệt lụa Nha Xá, mây giang đan Ngọc Động (Duy Tiên), sừng mỹ nghệ (Bình Lục), gốm Quyết Thành, nghề mộc (Kim Bảng), thêu ren Thanh Hà (Thanh Liêm)... Đặc biệt, làng trống Đọi Tam (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên) với lịch sử hơn 1000 năm phát triển là minh chứng cho sự trường tồn của một nền văn hoá vùng châu thổ sông Hồng.
 
Rong ruổi nghề trống
 

Nghệ nhân Nguyễn Chi Tân vẽ hoa văn lên mặt trống.

 
Chúng tôi gặp nghệ nhân Phạm Hùng Bì (83 tuổi đã mất năm 1010), đã có thâm niên hơn 60 năm làm trống. Ông nhớ lại những ngày đầu tiên theo cha đi khắp nơi làm trống, ngày đó mọi thứ đều làm bằng tay chứ không có máy móc như bây giờ. Thế cho nên người thợ phải kiên trì, tỉ mẩn hơn rất nhiều. Trống ngày xưa cũng nhỏ hơn, mỗi khi được nhận làm chiếc trống lớn hơn một chút là lòng người thợ cảm thấy háo hức lắm, cứ y như là sắp làm một việc lớn lao cho dân cho làng. “Ngày ấy ông mới có 12 tuổi, theo cha đi học nghề khắp nơi. Từ Thái Bình, Hải Hưng, Hải Phòng đến tận Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An,... không chỗ nào không có dấu chân hai cha con. Hành trang mang theo chỉ có cuộn da trâu và hộp đồ nghề. Hai bàn chân đi đất ngày đó không hề biết mỏi. Bây giờ già rồi, ông đã truyền nghề cho con trai, nhưng mỗi ngày không được chạm tay vào thớ gỗ mít chắc đanh, không được nghe tiếng dùi gõ lạch cạch là thấy nhớ không chịu được”, ông Bì hồi tưởng.
 
Ông già phúc hậu đó dẫn tôi đến nhà anh con rể. Anh tên là Nguyễn Văn Nam, cũng là người làng, lấy vợ từ năm 21 tuổi, giờ hai vợ chồng mở một xưởng trống riêng. Trong nhà, một dãy trống cỡ lớn đang nằm gọn gàng một bên,bên kia là những bao thóc chồng lên nhau. Anh Nam vẫn không ngừng tay đục, nói vọng vào: “Nhà có cấy mấy sào ruộng để lấy gạo ăn thôi. Chứ cứ có trống trong nhà là như có thóc có gạo dự trữ rồi cô ạ...”.
 
sản xuất trống đọi tam

Công việc của phụ nữ thường là đánh giấy ráp hoặc sơn ngoài tang trống.

Chúng tôi tạm biệt hai cha con ông Bì, tìm đến nhà nghệ nhận Nguyễn Chi Khang. Trời lạnh mà bác thợ Khang vẫn xoay mình trần xếp dăm cho chiếc trống cỡ lớn đang thành hình. Căn nhà của bác chật ních các loại trống, trống cơm dài nhỏ treo trên tường, trống hội cỡ lớn chiếm gần nửa gian nhà, bên trên là các loại trống quân, trống cái, trống đế, trống bồng...
 
Trong tủ kính có bằng chứng nhận nghệ nhân giỏi và nhiều ảnh chụp bác bên những chiếc trống trong các ngày hội lớn của làng, của nước. Ngày trước, bác Khang là một trong những học sinh giỏi của tỉnh Hà Nam Ninh cũ. Bác từng được nhận phần thưởng học sinh giỏi của Bác Hồ là một cây bút Kim Tinh, năm nào cậu trò Khang cũng được lên đánh trống khai trường. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bác không thể theo con đường học vấn. 13 tuổi, bác bỏ học theo cha đi làm trống khắp nơi. Những ngày đầu tiên đi xa, đôi chân sưng phồng bỏng rộp, bác khóc nhiều nhưng vẫn quyết tâm đi theo con đường của cha...
 
“Những người làm trống có cái vui là được đi du lịch không mất tiền cháu ạ”. Được đi nhiều nơi nên bác Khang có vốn kiến thức rất rộng về hầu hết các đình chùa miền Bắc. “Nhớ nhất là lần làm trống ở chùa Báo Đáp, thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định bây giờ. Làng này hàng năm có hội trống rất to. Hai cha con bác được thuê làm 40 quả trống chỉ trong 1 tháng trời. Ngày đó cái gì cũng phải làm bằng tay nên muốn hoàn thành 40 quả trống trong khoảng thời gian ngắn không hề là chuyện đơn giản. Hai cha con phải thắp đèn dầu thức làm trống thâu đêm, chỉ lo đến ngày hội mà trống chưa xong thì mất uy tín với người làng...”.
 
Bác Khang kể: “Tiếng thơm làng trống Đọi Tam đã vang xa khắp nơi, có nhiều bạn học cũ tìm về thăm bác. Ban đầu bác cũng chạnh lòng. Mình chỉ là anh thợ trống, không quyền cao chức trọng, thua bạn kém bè nên tránh không gặp. Nhưng bây giờ bác nghĩ lại. thấy mình cũng là ngừơi làm cái nghề vinh dự, mang lại niềm vui cho đời, lại rạng rỡ tổ tiên nên từ đó bác không còn ngại ngần gì nữa...”.
 
Cha truyền con nối
 

Mộ cụ Nguyễn Đức Năng, ông tổ làng trống Đọi Tam.

Ngày trước, người Đọi Tam đi khắp nơi làm trống, từ Bắc vào Nam, đâu cũng nghe danh. Có người định cư lại ở những vùng đất mới, họ sinh con, đẻ cái rồi lại tiếp tục cái nghề của cha ông để lại. Cứ thế, đời cha truyền cho con, ông truyền cho cháu...
 
Bác Nguyễn Chi Khang tự hào: “Bây giờ trên khắp nơi, cứ nơi nào làm trống thì đa số là người làng Đọi Tam. Trẻ con trong làng nghe tiếng trống thình thình từ khi còn trong bụng mẹ. Lớn lên một tí thay vì đẽo quay, đẽo khăng, chúng nó bắt chước cha, anh đẽo từng chiếc dăm trống. Trong làng lúc nào cũng có khoảng 500 người làm trống...”.
 
Bác Lê Ngọc Dương, một trong những người có xưởng trống lớn trong làng, có cậu con trai năm nay học lớp 9. Ngoài giờ học, cậu bé giúp bố xẻ dăm làm trống. Những người thợ làm ở xưởng này tấm tắc: “Toàn bộ dăm ở cái xưởng này do nó cưa đấy cô ạ. Thế mà cái nào cũng cong, cũng vừa khin khít”.
 
Chúng tôi hỏi bác Khang bí quyết để trống Đọi Tam kêu hay, đẹp và bền? Bác cười: “Người ta cứ nói có bí quyết thế này, có bí quyết thế kia chứ thực ra không phải. Nghề này không khó, quan trọng là người thợ phải có cái tâm, có lòng kiên trì”.
 
Để làm được một chiếc trống tốt không đơn giản chút nào. Người đi tìm da trâu già, gỗ mít đẹp đã khó, nhưng ngay cả những người thợ phụ quét sơn cũng phải lựa tay sao cho nước sơn thật đều, thật nhẵn bóng. Một chiếc trống phải được sơn 5 lần. Nhìn chiếc trống bóng bẩy, tươi màu sơn, không một tì vết là biết ở đó chứa bao nhiêu là tâm huyết, sự cẩn thận và lòng trân trọng của người Đọi Tam. Mỗi loại trống có một thanh âm riêng biệt, không cái nào như cái nào. Cái khó của người làm trống là phải làm sao cho tiếng trống trường nó ra tiếng trống trường, tiếng trống hội ra tiếng trống hội, trống chèo ra tiếng trống chèo... Tiếng trống mà đục, mà thô là do ngừơi thợ ghép dăm không khéo, là do gỗ mít hoặc da trâu chưa được khô kiệt, hoặc do người bịt mặt trống chưa khít... Làm được một cái trống tốt không thể vội vàng.
 
Trống Đọi Tam xuất ngoại
 
Nghệ nhân Phạm Trí Quang - Phó chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam) cho biết: “Chúng tôi đang có kế hoạch quảng cáo thương hiệu trống Đọi Tam ra thị trường ngoài nước”. Hiện nay đã có những đơn đặt hàng làm trống đến từ nhiều nước như Nhật, Pháp, Hàn Quốc, Thụy Điển... Ngoài trống, các nghệ nhân còn làm ra những bình rượu, bồn tắm hình trống cho các công ty để xuất khẩu.
 
Việc làng chuyển đổi sản xuất theo nhu cầu của thị trường là một việc rất cần thiết bởi như lời của nghệ nhân Phạm Chi Khang: “Người làm trống ở đây chưa bao giờ “được” sản xuất hết công suất. Nếu như có hợp đồng thì việc sản xuất ra 500 chiếc trống cỡ vừa trong vòng hai ngày là chuyện bình thường”.
 
Đề cập đến vấn đề thị trường và đầu ra cho sản phẩm, ông Nghiêm Đức Đạo, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Hà Nam chia sẻ: “Những năm tới, chúng tôi sẽ cố gắng bắt mối để xuất khẩu trống Đọi Tam và các sản phẩm phụ khác tới các nước có nhu cầu, bởi năng lực sản xuất của làng thừa sức có thể đáp ứng gấp đôi nhu cầu hiện tại. Đồng thời, nhiều sản phẩm khác phù hợp với tay nghề của các nghệ nhân ở đây sẽ được đưa về nghiên cứu, hễ thị trường có nhu cầu là họ sẽ sản xuất...”.
 
Chúng tôi rời làng trống Đọi Tam, bên tai vẫn còn văng vẳng tiếng thử trống giòn tan trong nắng chiều. Có tụi trẻ con đi học về hát vang câu đồng dao quen thuộc: “Sáng bánh dầy chè kho, chiều làng lo làm trống...”.
 
Trạng Sấm
 
Dưới chân núi Đọi có một ngôi mộ lớn, khang trang. Người làng nói rằng đó là mộ Tổ của làng nghề. Cứ đến ngày mồng 7 tháng giêng hàng năm, người dân Đọi Tam lại sắm sửa bánh dầy chè kho, sắp mâm ngũ quả rồi gióng hồi trống lớn tưởng nhớ đến công lao của người lập nên làng nghề.
 
Người làng kể, xưa có một người tên là Nguyễn Đức Năng cùng với em mình Nguyễn Đức Đạt đi qua Đọi Tam. Thấy vùng này có nhiều cây mít gỗ đẹp, quả chín thơm lừng, gỗ vàng ươm, lại không bị mọt nên quyết định chọn làm chốn định cư để hành nghề.
 
Năm 986,vua Lê Đại Hành từ Kinh đô Hoa Lư theo đường sông Châu Giang có chọn cánh đồng dưới chân núi Đọi làm nơi tổ chức lễ hội Tịch điền - cày ruộng khuyến nông. Cụ Năng và cụ Đạt thấy thế, đã tự tay làm một cái trống to để đón vua. Tiếng trống âm vang khắp cánh đồng như tiếng sấm nên người đời còn gọi ông là Trạng Sấm. Sau lần đó, nhà vua cho người Đọi Tam lên chốn kinh kì phát triển nghề làm trống. Thế cho nên sau này mới có phố Hàng Trống trong ba mươi sáu phố phường Hà Nội.
 
Châu Giang – Thanh Huyền
 
 
 
tìm kiếm
Giỏ hàng
Tổng cộng: 0 VNĐ
Xem giỏ hàng
Thanh toán
hỗ trợ trực tuyến
Mr Tân : 0977234398
bomtanviet
Ms Thúy : 0975295215
Kỹ thuật
Tin mới
thống kê truy cập
hòm thư góp ý